Tập luyện phục hồi chức năng: Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp

Khi được hỏi về lợi ích của các liệu pháp điều trị thoái hóa khớp khác nhau, các chuyên gia châu u đặt tập luyện phục hồi chức năng lên hàng đầu, trên cả phẫu thuật khớp, thuốc giảm đau và giáo dục kiến thức về bệnh cho bệnh nhân.

Tập luyện phục hồi chức năng (PHCN) là biện pháp điều trị hiệu quả đối với thoái hóa khớp thông qua một số cơ chế. Các hoạt động cơ làm giảm đau thông qua cơ chế tương tác tương tự như châm cứu. Đó là làm tăng nồng độ endophin trong não làm giảm cảm giác đau. Tăng sức mạnh của cơ và cải thiện chức năng thần kinh cơ giúp tăng sự ổn định xung quanh khớp và giúp giảm tải lên khớp. Nghiên cứu cho thấy, 4 tháng tập luyện phục hồi chức năng không chỉ cải thiện sức mạnh cơ mà còn cải thiện chất lượng của sụn khớp gối. Tập luyện thường xuyên còn giúp giảm cân từ đó giúp giảm trọng tải lên khớp.

Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp 1

Đạp xe là phương pháp tập phù hợp nhất đối với người thoái hóa khớp. (Nguồn internet)

Tuy nhiên, quá trình tập luyện rất dễ bị thất bại. Bệnh nhân thường khó duy trì việc tự tập luyện khi triệu chứng đau đã giảm mặc dù đã được bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn. Để đạt được hiệu quả, tập luyện phục hồi chức năng và hoạt động thể lực phải được thực hiện thường xuyên.

Phương pháp tập luyện PHCN

Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính. Việc tập luyện PHCN phải được đưa vào cuộc sống hằng ngày và quan trọng nhất là lựa chọn hình thức tập phù hợp cho từng bệnh nhân. Để tạo thuận lợi cho việc tập luyện, bệnh nhân nên được đánh giá ban đầu và ở từng giai đoạn, nhằm điều chỉnh chương trình tập luyện cho phù hợp và nhằm tối ưu hóa lực tải đè ép lên các khớp bị ảnh hưởng. Điều đó có thể đạt được thông qua các bài tập tăng sức cơ, làm tăng sức ép lên các yếu tố thần kinh cơ, mà ít gây tải trọng lên khớp. Khi bắt đầu tập luyện, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tăng lên. Tuy nhiên, tình trạng đau sẽ giảm dần sau khi tập và sẽ không tăng theo thời gian. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cũng có thể được áp dụng các biện pháp giảm đau tạm thời như điện phân, sóng ngắn, hồng ngoại, paraphin, châm cứu... Một hình thức tập luyện đã được chứng minh tính hiệu quả và dễ được áp dụng là đạp xe, khi đó các cơ được vận động tối đa mà rất ít gây tải trọng lên các khớp.

Yếu tố nguy cơ quan trọng đối với thoái hóa khớp là chấn thương. Do chấn thương khớp thường xảy ra trong khi hoạt động thể lực, vì vậy tốt nhất nên xem xét các hoạt động thể lực nào là phù hợp. Chấn thương thường xảy ra trong bóng đá và các môn thể thao khác như cầu lông, tennis, bóng bàn..., do đó bệnh nhân thoái hóa khớp nên tránh tập luyện các môn thể thao này.

Bệnh nhân thoái hóa khớp toàn bộ hoặc đau cơ xơ có phản ứng mạnh đối với tập luyện, cần được chỉ định cường độ rất thấp trong thời gian dài và hiệu quả thường không bằng thoái hóa khớp ở các khớp riêng lẻ. Các chỉ định cho bệnh nhân thoái hóa khớp trong bài không thích hợp cho các nhóm bệnh này.

Các hình thức tập luyện PHCN phù hợp

Đạp xe ngoài trời hoặc đạp xe tại chỗ: Là hình thức tập luyện hiệu quả giúp kích thích các nhóm cơ lớn ở chân với mức độ tải trên khớp thấp. Các dữ liệu cho thấy đây là hình thức tập luyện phù hợp nhất và giúp tăng sức mạnh cơ đồng thời giảm bệnh tật. Tuy nhiên, vị trí của yên xe và tay lái rất quan trọng. Yên xe nên được điều chỉnh sao cho khi duỗi gối hết mức, gối gập 1 góc từ 0 - 15 độ. Nên gắn thêm đồng hồ theo dõi tốc độ. Nên chọn xe có yên ngồi thoải mái, đồng thời có thể dễ dàng điều chỉnh yên xe và tay lái.

Đi bộ: An toàn cho hầu hết bệnh nhân, dễ thực hiện, không tốn chi phí. Cải thiện sức khỏe, giảm đau và chống trầm cảm. Nhưng không phù hợp với thoái hóa khớp nặng ở các vị trí hông, gối và mắt cá chân.

Đi bộ với gậy: Phương pháp này cũng giúp cải thiện nhanh hơn so với đi bộ không có gậy. Cũng có hiệu quả cho các bệnh lý ở cổ và lưng. Cần chú ý: Lựa chọn độ dài gậy thích hợp để hãm tốt và chuyển động theo kiểu con lắc một cách thoải mái, giúp không làm đau vai. Gậy nên cao hơn 1m trên khuỷu tay khi đứng thẳng với cánh tay xuôi dọc theo cơ thể. Chọn gậy có thể điều chỉnh được độ dài.

Chạy bộ: Chưa đủ bằng chứng khoa học trên bệnh nhân thoái hóa khớp. Có thể gây chấn thương do quá tải tại khớp. Các thay đổi về tình trạng cơ học như trong thoái hóa khớp sẽ dẫn đến tăng nguy cơ chấn thương và tạo lực tải cao cho khớp hông, khớp gối và khớp cổ chân.

Ngoài ra, dùng máy chạy bộ hoặc chạy bộ dưới nước có tải trọng lên khớp gối và bàn chân.

Bơi lội và các môn thể thao dưới nước sẽ rất ít áp lực lên các khớp.

Khiêu vũ: Các nghiên cứu cho thấy khiêu vũ có tác dụng cải thiện sức khỏe và tăng khả năng vận động cũng như giảm đau, giảm bệnh và chống trầm cảm nhưng có thể gây tải trọng lớn cho khớp. Nguy cơ chấn thương cao. Không phù hợp với thoái hóa khớp nặng ở các vị trí hông, gối và mắt cá chân.

Leo cầu thang và máy tập nâng bước: Hoạt động chức năng, tương tự như đi bộ lên cầu thang. Nhiều tài liệu cho thấy, bệnh nhân trẻ có tổn thương khớp gối tập với máy tập nâng bước cũng có hiệu quả tốt.

BS. Mai Trung Dũng

(Phó Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện 354)

Cần làm gì khi bị suy nhược cơ thể?

Suy nhược cơ thể là gì?

Suy nhược cơ thể là tình trạng bệnh lý kéo dài với những biểu hiện lo âu, khó ngủ, mệt mỏi, làm việc năng suất giảm... Có người vượt qua trong thời gian ngắn nhưng có người phải chữa dài ngày. Vậy, khi cơ thể suy nhược cần có chế độ ăn uống cân bằng, sinh hoạt khoa học.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cơ thể suy nhược. Ở một số người lao động quá sức, ăn uống kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng dễ dẫn đến cơ thể suy nhược. Đối với một số bệnh nhân do mắc bệnh lý tâm thần có biểu hiện rối loạn cảm xúc như bực tức, nóng nảy, đôi khi quá nhạy cảm dễ kích động. Khi đó, người bệnh thường mất cảm giác thích thú, thụ động, thiếu sức sống. Có hiện tượng rối loạn tình dục với những triệu chứng mất khoái cảm ở nữ và xuất tinh sớm, bất lực ở nam. Đối với một số người bệnh là sau khi phẫu thuật, sinh đẻ hoặc mắc một số bệnh lý mạn tính nào đó… khiến suy nhược cơ thể.

an-uong-day-du-chat-dinh-duong-giup-khac-phuc-suy-nhuoc-co-the

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp khắc phục suy nhược cơ thể

Biểu hiện

Các triệu chứng hay gặp nhất là rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn, đôi khi có ác mộng. Có hiện tượng mỏi cơ như đau nhức cơ, chuột rút, đau lưng, mệt mỏi khi vận động. Thường thấy ù tai, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, sợ ánh sáng. Ngoài ra, còn có các rối loạn lo âu với cảm giác bồn chồn, khó chịu trong cơ thể, lo sợ, bi quan, mệt, uể oải, hay đổ mồ hôi trộm, da xanh xao tái nhợt, đôi khi ngất xỉu. Có cảm giác chán ăn, đầy hơi, buồn nôn, giảm ngon miệng, sụt cân.

Cách khắc phục suy nhược cơ thể

Cách khắc phục

Tùy theo nguyên nhân mà cách khắc phục cho phù hợp. Đối với bệnh nhân sau phẫu thuật, sinh đẻ… cơ thể giảm sút toàn thân thì bên cạnh thuốc trị bệnh chính cần bổ sung nước, điện giải, chú ý chế độ ăn uống.

Thực đơn ăn uống cần đảm bảo 4 thành phần (đạm, béo, bột đường, vitamin) nhưng cần bổ sung thêm nhiều rau xanh như súp lơ, cải chíp, những loại rau nhiều axit folic và vitamin tốt cho sức khỏe, dễ ăn. Những loại hoa quả có vị thanh như thanh long, nho, cam… Nên ăn nhiều những món ăn mà mình có cảm giác ngon và thích thú. Nếu ăn uống thấy không ngon miệng thì nên chế biến món ăn loãng, dễ tiêu.

Đối với người lao động quá sức ăn uống cần đủ chất đạm, lipit ( thịt, cá, trứng,…) và cần chú ý thêm chế độ nghỉ ngơi, học và làm việc hợp lý, nhất là đảm bảo giấc ngủ trưa từ 30 phút đến một giờ. Tránh những stress, tập thư giãn, tập thở là một trong những phương cách tốt giúp cơ thể điều chỉnh nhịp thở. Cần xoa bóp chân tay, nhất là vùng lưng và các khớp gối. Không uống cà phê, bia rượu, hút thuốc lá. Nếu các biểu hiện suy nhược không được cải thiện cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Đối với người bệnh suy nhược cơ thể do các rối loạn trầm cảm, lo âu và rối loạn thần kinh thì phải dùng các thuốc chống trầm cảm, lo âu. Việc điều trị phải liên tục và kéo dài trung bình sáu tháng đến hai năm và có bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tâm lý, nội thần kinh theo dõi.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc

5 món giúp trị suy nhược thần kinh5 món giúp trị suy nhược thần kinhSuy nhược thần kinh có chữa khỏi?Suy nhược thần kinh có chữa khỏi?Suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thểSuy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể

Không khám sức khỏe định kỳ: Sai lầm!

“Số đông người dân vẫn chưa chú trọng đến việc khám sức khỏe định kỳ. Đó là một sai lầm. Thực ra khi chưa có triệu chứng gây khó chịu hoặc thậm chí còn đang cảm thấy khỏe mạnh thì nhiều bệnh đã có thể đang âm thầm phát triển. Khi phát hiện thì bệnh đã trở nặng, chi phí điều trị cao, cũng có khi bệnh đã đi vào giai đoạn cuối có thể dẫn đến tử vong…”, Ths.BS. Trịnh Thị Diệu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định.

Khổ vì quan niệm “bói ra ma, quét nhà ra rác”

Theo Ths.BS. Trịnh Thị Diệu Thường, khi cuộc sống tất bật và có quá nhiều lo toan như hiện nay, việc khám sức khỏe định kỳ được nhiều người xem như là một việc làm xa xỉ, lãng phí, tốn thời gian. Đáng lưu tâm hơn, có không ít người lại có quan niệm rằng: “bói ra ma, quét nhà ra rác”. Bác sĩ khám kiểu gì cũng ra bệnh. Đang yên vui bỗng dưng phải sống trong lo sợ, hoang mang vì bệnh tật. Thôi: “Trời kêu ai nấy dạ”. Ths.BS.Trịnh Thị Diệu Thường cho rằng, quan niệm như vậy là sai lầm. Có nhiều bệnh nguy hiểm khi mới mắc thường không có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên, khi phát hiện ra với những triệu chứng điển hình thì bệnh đã ở vào giai đoạn rất nặng.

Cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm bệnh

Anh Võ Thành N. 36 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, đã phải thay đổi ngay quan niệm “bói ra ma, quét nhà ra rác” sau một lần bị bệnh “thập tử nhất sinh”. Anh rùng mình kể lại: trước đây anh thường bị ho, tức ngực. Mỗi lần như vậy anh lại tự ý đi mua thuốc ở nhà thuốc về uống. Cũng có một vài lần uống thuốc mãi không hết, anh đi khám bác sĩ. Bác sĩ ghi trên toa thuốc anh bị viêm phế quản. Dù bị như vậy nhưng mỗi năm khi công ty anh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên anh vẫn tự rút tên mình ra khỏi danh sách. Lý do là, sợ biết mình mắc bệnh lắm, kiểu gì đi khám, bác sĩ chẳng phán anh bị bệnh này bệnh nọ. Vào giữa năm 2010, anh bị ho dữ dội, khó thở và đầu óc thấy lơ mơ. Anh không nhớ mình nói gì, làm gì và đang ở đâu. Vào cấp cứu tại BV. Phạm Ngọc Thạch, anh được chẩn đoán bị lao phổi. Phát hiện bệnh trễ nên anh đã bị biến chứng lên não. Sau khi may mắn chữa khỏi bệnh, giờ anh là người đầu tiên ở công ty đăng ký khám sức khỏe định kỳ.

Ths.BS. Trịnh Thị Diệu Thường cho biết, khám sức khỏe định kỳ là việc làm rất quan trọng, giúp mỗi người phòng và phát hiện bệnh sớm, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là dịp để có được cái nhìn tổng quát về sức khỏe bản thân, tránh được các lo lắng không cần thiết. Tuy nhiên, rất ít người ý thức được sự cần thiết của công việc này. Chẳng hạn, số liệu thống kê cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 42 - 64% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Song hầu hết mọi người chỉ đi khám khi có bệnh mà không hề chủ động thăm khám định kỳ. Báo cáo của BV. Nội tiết Trung ương cho thấy có tới 65% số bệnh nhân bị mắc bệnh đái tháo đường mà hoàn toàn không biết mình đang bị bệnh. Như vậy sẽ rất nguy hiểm khi bệnh đã diễn tiến nặng và có nhiều biến chứng. Trong khi đó, nếu khám sức khỏe định kỳ hàng năm thì bệnh đái tháo đường sẽ được chẩn đoán sớm và chỉ bằng một xét nghiệm đơn giản.

Phát hiện nhiều bệnh nguy hiểm

Ths. Diệu Thường cho rằng, khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện ra nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh lao, tim mạch, các rối loạn chức năng hô hấp, cao huyết áp, ung thư phổi, dạ dày, vòm họng hay bệnh viêm gan siêu vi. Thường xuyên thăm khám sức khỏe kèm theo các xét nghiệm sẽ giúp phát hiện ra mình có nhiễm vi rút viêm gan: viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C hay không. Như vậy sẽ tránh được hậu quả là khi phát hiện ra bệnh thì đã có biến chứng xơ gan hay ung thư gan. Khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện các bệnh ung thư. Trong giai đoạn đầu, bệnh ung thư thường không có biểu hiện triệu chứng gì cả, tuy nhiên có những nhóm bệnh có nguy cơ ung thư cao cần phải đặc biệt chú ý.

Với các chị em phụ nữ, cần đi khám để phát hiện sớm và chữa trị các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm nội mạc tử cung, viêm buồng trứng, viêm ống dẫn trứng, u xơ tử cung nhằm tránh các di chứng nặng nề như viêm dính vòi trứng, gây vô sinh hoặc thai ngoài tử cung và đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên khám phụ khoa để phát hiện ung thư cổ tử cung ít nhất 3 năm/lần cho đến lúc 69 tuổi. Một xét nghiệm PAP (phết tế bào cổ tử cung) đơn giản có thể giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư của tế báo cổ tử cung. Các xét nghiệm máu về HPV (một siêu vi ở người có thể gây ra ung thư cổ tử cung) cũng có ý nghĩa tầm soát quan trọng.

Ths.BS. Trịnh Thị Diệu Thường khuyến cáo, để có hiệu quả tối đa cho mỗi lần khám định kỳ, cần chuẩn bị trước các thông tin để cung cấp cho bác sĩ khi đi khám bệnh như: tiền sử bệnh của bản thân (những lý do bị bệnh hay bị mổ, đã từng phải cấp cứu, những năm tháng đã có sự cố sức khoẻ, nếu có thể bản sao các xét nghiệm đã làm, biên bản phẫu thuật...); tiền sử bệnh của gia đình (bệnh tim, ung thư, cao huyết áp, đái tháo đường... mà người thân trong gia đình đã mắc, độ tuổi mắc bệnh và nếu có thể cả lý do tử vong); những thuốc thường dùng; những phản ứng của thuốc; đã tiêm chủng những bệnh gì… Có một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm là nếu có bất kỳ một triệu chứng khó chịu nào đó, cần phải đi khám ở cơ sở y tế ngay không được chờ đến dịp khám sức khỏe định kỳ.

NGUYỄN HUYỀN

Phòng tránh chứng chuột rút

Thỉnh thoảng tôi lại bị chuột rút, nhất là ban đêm. Mong bác sĩ hướng dẫn cách phòng tránh bị chuột rút.

Phạm Hoàng Yến (Ninh Bình)

Chuột rút hay còn gọi là vọp bẻ là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho sự cử động khó khăn hoặc không tiếp tục cử động được nữa. Chuột rút thường xảy ra ở bắp thịt của cẳng chân, bắp đùi và hông, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Thời gian cơ co rút từ vài giây tới vài phút, nhưng hay tái diễn. Đến nay, khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra chứng chuột rút. Người ta cho rằng có thể do vận động quá mức, do tĩnh tại lâu như khi ngủ ban đêm, khi ngồi lâu không thay đổi tư thế.

Bệnh thường xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ, hoặc sau khi vận động, sử dụng cơ bắp trong thời gian dài liên tục. Khi bị chuột rút, bạn cần xoa bóp bắp thịt bị co rút nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở bắp chuối, bạn nên nhè nhẹ vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược. Chuột rút bắp đùi, bạn nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống. Phòng bệnh chuột rút bằng cách: chế độ ăn giàu canxi, uống nước đầy đủ trước, trong và sau khi vận động. Tập vươn duỗi chân vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu hay bị chuột rút có thể liên quan tới việc dùng thuốc lợi tiểu thì bạn nên khám, xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ chỉ định dùng canxi dạng dược phẩm nếu cần.

BS. Nguyễn Minh Hiền

Làm gì khi nghi ngờ bị viêm dạ dày cấp

Viêm dạ dày cấp là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc dạ dày. Đây là bệnh thường gặp, khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày cấp thường xuất hiện nhanh, mất đi nhanh và không để lại di chứng. Nhưng nếu không được phát hiện sớm và biết cách điều trị đúng sẽ dẫn đến viêm dạ dày mạn tính, viêm loét dạ dày.

Viêm dạ dày có thể do yếu tố nội sinh hoặc ngoại sinh. Yếu tố ngoại sinh thường gặp là virut, vi khuẩn và độc tố của chúng, thức ăn quá nóng, lạnh hoặc bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc do vi khuẩn: tụ cầu, E.coli..., các chất ăn mòn, các kích thích nhiệt, dị vật hay một số loại thuốc như aspirin ... Yếu tố nội sinh thường do đường máu trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp (viêm phổi, viêm ruột thừa, thương hàn...), bỏng, nhiễm phóng xạ, chấn thương sọ não..., dị ứng thức ăn (tôm, cua, ...).

Khi bị viêm dạ dày cấp, người bệnh có biểu hiện đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát, có khi âm ỉ, ậm ạch khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, hoặc nôn nhiều, ăn xong nôn ngay, nôn hết thức ăn thì nôn ra dịch chua, có khi nôn cả ra máu, lưỡi bẩn, miệng hôi, sốt 39 - 40oC, thường kèm theo viêm ruột, tiêu chảy.

Viêm niêm mạc dạ dày.

Trong bệnh viêm dạ dày cấp tính, quá trình viêm diễn ra từ vài giờ đến vài ngày, hồi phục nhanh và hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu người bệnh không hạn chế những thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày như rượu, bia, ớt, tỏi, ..., những món ăn gây khó tiêu như chất béo, thức ăn chiên xào, gân sụn, hay những thực phẩm gây đầy hơi như nước giải khát có gas, ... thì viêm dạ dày cấp rất dễ tái phát và nếu bị nhiều đợt có thể chuyển thành viêm mạn tính do niêm mạc bị phá huỷ liên tiếp và có vai trò của cơ chế miễn dịch.

Khi nghi ngờ bị viêm dạ dày cấp, người bệnh cần:

- Ngưng ngay việc sử dụng các chất có hại cho dạ dày.

- Nên uống lòng trắng trứng hoặc sữa bò loãng.

- Ăn thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu và đủ dinh dưỡng để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nên ăn chậm, nhai kỹ, giữ khoảng cách đều đặn, hợp lý giữa các bữa ăn. Lúc đầu, nên ăn những thức ăn loãng; sau đó, người bệnh có thể dần dần ăn những thức ăn đặc hơn.

Nếu không đỡ, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến khám tại các cơ sở y tế. Tại đây bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm để chẩn đoán:

- Nội soi dạ dày: Thấy niêm mạc dạ dày phù nề xung huyết đỏ rực, có những đám nhầy dày hoặc mỏng, Các nếp niêm mạc phù nề, niêm mạc kém bền vững, dễ xuất huyết, vết trợt.

- Dịch vị: tăng tiết dịch, tăng toan, trong dịch có BC, tế bào mủ.

- X quang: Nếp niêm mạc thô, ngoằn nghèo, bờ cong lớn nham nhở, túi hơi rộng.

- Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng, công thức bạch cầu chuyển trái, máu lắng tăng.

Dựa trên sự thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sỹ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định cũng như mức độ bệnh, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Mạnh Cường

Những nguy cơ ngộ độc hải sản

Hải sản là món ăn nhiều dinh dưỡng và cũng là món ưa thích của nhiều người. Hải sản thường được tiêu thụ mạnh vào mùa hè, mùa du lịch nhưng hiện nay, điều kiện kinh tế phát triển hơn, trong ngày Tết, nhiều gia đình cũng có thói quen tích trữ hải sản trong tủ lạnh để tránh những món ăn chứa nhiều thịt mỡ gây ngán. Vậy nên tích trữ, ăn hải sản thế nào cho an toàn?

Tránh các loại hải sản có thể chứa chất độc

Có loại hải sản luôn luôn có chất độc, có loại thỉnh thoảng mới gây độc. Bằng mắt thường và cảm giác khi ăn uống, chúng ta không thể phát hiện có chất độc hay không, vì vậy với các loại hải sản này bạn cần biết và tránh ăn. Các loại độc tố này thường không bị phá hủy bởi nhiệt nóng khi đun nấu và các biện pháp chế biến thông thường. Khi đi du lịch, nên hỏi kỹ thông tin từ những người dân địa phương.

Những nguy cơ ngộ độc hải sản 1

Hạn chế ăn hải sản tươi sống để phòng tránh ngộ độc. Ảnh: TL

Không ăn hải sản đã chế biến từ lâu

Hải sản nói chung là các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật, rất giàu chất đạm (protein). Khi bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường, chúng rất nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh. Với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn thậm chí biến thịt của cá thành chất độc (chuyển một loại axit amin là histidin trong thịt cá thành chất độc histamine) gây ngộ độc (đỏ da, nóng bừng, trống ngực, đau đầu, khó thở…).

Các hải sản đông lạnh có thể an toàn về mặt vi khuẩn nếu được bảo quản đông lạnh liên tục từ khi còn sống tới khi bạn mua và chưa quá hạn sử dụng.

Lưu ý thông tin về nhiễm độc nước biển, ô nhiễm môi trường vùng biển

Bên cạnh các vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất bạn có thể biết rõ, có một hiện tượng tự nhiên đặc biệt xảy ra chỉ riêng với biển có thể dẫn tới ngộ độc là hiện tượng “thủy triều đỏ”. Đây là hiện tượng nước biển đổi màu bất thường như hồng, tía, xanh lục, nâu hay đỏ do một số loại tảo biển phát triển ồ ạt với số lượng lớn bất thường. Một số loại tảo có chứa chất độc. Các hải sản lúc bình thường có thể không có độc nhưng khi có thủy triều đỏ có thể mang tảo độc và gây ngộ độc. Không nên ăn các hải sản được đánh bắt ở vùng có “thủy triều đỏ”, đặc biệt các loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ (như trai, sò, ngao,…).

Không ăn gỏi hải sản

Các loại vi khuẩn rất dễ phát triển trong hải sản. Vì vậy, không nên ăn hải sản tái hoặc tươi sống, hãy từ bỏ thói quen ăn gỏi hải sản và các loại thức ăn sống khác để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh tiêu chảy cấp. Cần nấu chín hải sản trước khi ăn.

Phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc

Có nhiều loại hải sản với nhiều loại nguyên nhân gây độc khác nhau nên biểu hiện ngộ độc cũng rất đa dạng: từ đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê, hay tim mạch như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hay hô hấp như khó thở, thậm chí tử vong. Khi ăn hải sản, nếu thấy có một trong số các biểu hiện trên cần nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

(Theo tài liệu của Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai)

Tác hại của thịt tồn dư chất kích thích với sức khỏe

Nội tiết tố sinh dục progesterol, testosteron, estradiol -17β đã từng được dùng để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi với mục đích tăng trọng và nâng cao hiệu quả của thức ăn. Tuy nhiên do nhận thấy tác hại rõ rệt của progesterol, testosteron có liên quan đến sức khỏe cộng đồng như hiện tượng đồng tính luyến ái tăng, giảm mật độ tinh trùng, tinh hoàn lệch, ẩn ở trẻ em trai và tuổi dậy thì ở trẻ em gái sớm hơn; estradiol -17β có nguy cơ gây ung thư nên sau năm 1999 nhiều nước đã cấm dùng các hormon này bổ sung vào thức ăn chăn nuôi với mục đích tăng trọng.

Dexamethasone thuộc nhóm kháng viêm, có tác dụng giữ muối, giữ nước, tăng quá trình tích tụ mỡ làm cho con vật lớn nhanh. Loại thuốc này tồn dư trong thịt và các sản phẩm gia súc có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng như cường thượng thận, loãng xương, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Clenbuterol gần đây đã được coi như là chất siêu tăng trọng nhất là lượng thịt nạc, dùng chủ yếu trước khi gia súc xuất chuồng khoảng 21 ngày. Tác hại của clenbuterol rất khó nhận thấy ngay. Dùng thực phẩm tồn dư chất này sau một thời gian mới có những biểu hiện rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim, run cơ, tăng huyết áp và có thể gây đột biến tế bào, tạo điều kiện phát triển các khối u ác tính.

BS. Nguyễn Ngọc Minh

Tương kỵ thực phẩm

Có nhiều loại thực phẩm khí chế biến cùng nhau đã trở thành tương kỵ, ảnh hưởng không ít đến sức khỏe.

Gan heo trộn chung giá đậu: trong gan heo hay gan động vật nói chung, theo các nhà khoa học thì có hàm lượng đồng, sắt và một số nguyên tố kim loại khác khá cao, khi kết hợp với giá đậu, trong giá đậu có chứa nhiều vitamin C. Nếu xào giá cùng với gan heo hay gan động vật khác, các ion kim loại trong gan sẽ bị vitamin C trong giá đậu oxy hóa làm mất hết công hiệu, từ đó giá đậu sẽ biến thành chất bã và không còn giá trị dinh dưỡng nữa.

Gan heo và giá đậu được cho là tương kỵ

Mật ong với sữa đậu nành hay đậu hũ non: trong mật ong chứa acid formic khi gặp đậu nành có nhiều protein sẽ gây ra hiện tượng kết tủa, dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy bụng rất khó chịu.

Thịt gà trộn với rau kinh giới: khi trộn món gỏi gà hay chế biến món gà luộc ăn với rau kinh giới, người bệnh dễ bị chứng đầy bụng, khó tiêu, nếu ăn thường xuyên có thể khiến bị táo bón kéo dài.

Ăn thịt dê hay thịt chó với uống nước trà (chè): trong thịt dê và thịt chó có rất nhiều protein, nên sau khi ăn mà uống nước trà ngay sẽ tạo ra phản ứng giữa tanin trong trà với protein và salicilate trong thịt dê – chó tạo thành chất tanalbit. Chất này làm se niêm mạc ruột, giảm nhu động ruột, khiến ruột tích tụ nhiều chất có hại, dẫn đến táo bón hoặc có thể gây nguy cơ ung thư.

Dùng hải sản với một số loại hoa quả: các loại hải sản như tôm, cua rất giàu protein và canxi, trong khi đó các loại hoa quả như nho, cam, quýt, bưởi lại rất nhiều acid tanic, vitamin C. Nếu dùng chung hai loại thực phẩm trên cùng lúc, chất acid từ trái cây sẽ nhanh chóng phá hủy các thành phần dinh dưỡng trong hải sản; trở thành những độc chất có thể gây kích thích nhu động ruột, dẫn đến triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, nặng hơn là nôn ói…

Ngoài ra, các loại động vật có vỏ, sống dưới nước như tôm, cua, ốc, hến… có chứa rất nhiều chất asen hóa trị 5. Chất này không gây độc cho cơ thể, nhưng nếu ta ăn các loại thực phẩm này mà uống vitamin C hoặc ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, cà chua, nho... sẽ làm cho asen hóa trị 5 chuyển thành asen hóa trị 3, tức là chất thạch tín, một độc chất có thể gây chết người. Cho nên, khi ăn các thức ăn hải sản nói trên khi cần dùng các trái cây rau quả thì cần phải ít nhất sau 4 giờ.

Hành với đậu hũ: trong hành có chứa chất acid oxalic, và trong đậu hũ có nhiều canxi. Nếu chúng ta ăn cùng một lúc thì các chất acid oxalic sẽ dễ dàng kết hợp với canxi để tạo thành oxalat calci, là chất lắng đọng màu trắng mà cơ thể không sao hấp thụ được, dễ tạo nên bệnh sỏi thận.

Sữa với đường ở nhiệt độ cao: chất lysine trong sữa bò kết hợp với đường sẽ sinh ra lysine gốc glucose, chất này gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu đun sôi sữa trước, để nguội, rồi mới cho đường vào thì phản ứng hóa học trên sẽ không xảy ra.

Khoai lang với quả hồng: trong quả hồng có chứa chất tanin và pectin; còn trong khoai lang thì chứa nhiều tinh bột và đường glucose. Nếu ta ăn nhiều khoai lang, sẽ kích thích dạ dày tiết nhiều acid clohydric; sau đó ta ăn quả hồng, khiến cho acid clohydric từ dạ dày tiết ra sẽ kết hợp với chất tanin và pectin trong quả hồng, sẽ hình thành sỏi lắng đọng lại ở dạ dày. Nếu nặng có thể gây loét và chảy máu dạ dày. Người bị đau dạ dày phải chú ý để tránh ăn cùng lúc những món này.

Dưa leo với các món chứa nhiều vitamin C: trong dưa leo có chứa một loại men làm phân giải vitamin C, khi ta ăn dưa leo với các món có vị chua, chất men này sẽ làm mất lượng vitamin C nạp vào cơ thể, kể cả cà rốt và củ cải cũng vậy. Nguyên do là trong cà rốt có chứa một loại enzyme có tác dụng phân giải vitamin C, củ cải chứa hàm lượng vitamin C rất cao, do vậy khi có mặt của cà rốt thì vitamin C cao trong củ cải sẽ bị phân hủy đi. Khi dùng các thực phẩm trên chung và kéo dài thì cần chú ý bổ sung vitamin C cần thiết cho cơ thể.

Trứng gà với óc heo và sữa đậu nành: trong sữa đậu nành chứa thành phần trypsine có tính ức chế các protein trong trứng gà, gây chứng khó tiêu, đầy bụng. Dùng trứng chung với óc heo sẽ làm tăng cholesterol trong máu.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Bệnh hay gặp ở phụ nữ trung niên

Phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên thường gặp những bệnh bỗng từ đâu đến khiến họ bối rối và khó khăn khi xử trí. Ðó là những cơn bốc hỏa đột ngột, chân tay nhức mỏi thường xuyên, đau đầu triền miên, hay bị hồi hộp, khó thở...

Loãng xương

Loãng xương là căn bệnh không gây chết người, nhưng là mối đe dọa đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu phụ nữ trên thế giới. Tuổi mãn kinh, phụ nữ rất dễ bị loãng xương, đặc biệt những người nhỏ bé, người tiền căn gia đình bị loãng xương, mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng. Khi bị loãng xương rất dễ dẫn đến nguy cơ gãy xương hông, xương đùi, cổ xương đùi, xương cẳng chân, bị đau lưng và còng lưng do cột sống bị sụp. Loãng xương còn làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể, từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân gây loãng xương thường do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất, đặc biệt thiếu canxi và vitamin D. Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc có chứa chất steroid... cũng dễ bị loãng xương.

Phòng ngừa: Cần có chế độ ăn uống tăng canxi ngay từ tuổi vị thành niên, vận động và tập thể dục vừa sức, đồng thời tránh các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc corticoid. Nên bổ sung 1.000mg canxi và 200 - 4.000 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D để giúp xương phát triển tốt, nhất là từ nguồn thực phẩm, thức ăn hàng ngày. Nên dùng sữa có hàm lượng chất béo thấp (3 cốc/ngày). Việc khám sức khỏe định kỳ là hết sức cần thiết với phụ nữ trung niên. Để sống khỏe mạnh ở tuổi mãn kinh, cần giữ cân nặng bình thường, ổn định huyết áp, giảm mỡ máu, vận động nhiều, ăn ít chất béo, tăng cường rau xanh, trái cây, chất xơ, tập thể dục đều đặn.

 Phụ nữ trung niên cần tập thể dục đều đặn và ăn nhiều rau, quả để phòng tránh bệnh tật.

Phụ nữ trung niên cần tập thể dục đều đặn và ăn nhiều rau, quả để phòng tránh bệnh tật.

Hội chứng tiền mãn kinh

Người phụ nữ trong thời kỳ phát triển, cơ thể liên tục tiết ra estrogen - nội tiết tố nữ - để tạo ra các đặc tính của phái nữ. Sang tuổi mãn kinh, buồng trứng trong cơ thể phụ nữ không phát triển, nội tiết tố không tiết ra nữa, bắt đầu thiếu hụt estrogen. Vùng khung chậu bị ảnh hưởng, rất dễ sinh ra các bệnh viêm âm đạo, ngứa âm hộ, rong kinh, âm đạo khô, giao hợp khó khăn..., có thể dẫn đến bệnh sa sinh dục, sa bàng quang, són tiểu. Thiếu estrogen cũng ảnh hưởng tới tâm thần kinh, tuyến nội tiết, hệ vận mạch, gây ra nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, bị bốc hỏa từng cơn, chóng mặt, hồi hộp không lý do, đau nhiều nơi trên cơ thể, dễ cáu gắt, sinh ra những lo âu, dễ buồn tủi... Phòng ngừa: Có thể uống estrogen thay thế nội tiết buồng trứng khi mãn kinh để điều hòa cơ thể, song phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Ung thư vú

Đây là nỗi ám ảnh của phụ nữ tuổi trung niên - căn bệnh âm thầm mà rất nguy hiểm. Có tới 18% phụ nữ tuổi 40 chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, tăng 77% ở tuổi trên 50. Ung thư vú là căn bệnh gây tử vong khá cao cho phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có chế độ ăn uống nhiều chất béo. Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trung niên: gia đình có mẹ hoặc chị em ruột bị ung thư vú, nguy cơ tăng gấp 3 - 5 lần; béo phì: nguy cơ gấp 3 lần; không cho con bú sữa mẹ hoặc không sinh con, hoặc có con đầu lòng quá muộn; dậy thì sớm và mãn kinh muộn.

Để phòng bệnh này, ngoài thực hiện lối sống lành mạnh; hạn chế thực phẩm chế biến quá kỹ, thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo; không nên uống rượu, đồ uống kích thích, không hút thuốc lá; tăng cường luyện tập... chị em nên tự khám mỗi tháng xem có gì bất thường ở ngực, nhũ hoa... đồng thời cần được khám định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm một lần. Khi nhận thấy các triệu chứng như: sự thay đổi kích thước và hình dạng của vú, xuất hiện những khối u hay sưng tấy ở nách, chảy máu ở núm vú hay đau ngực... thì có thể là dấu hiệu ung thư vú, hãy nhanh chóng đến các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để kiểm tra và điều trị khi khối u còn nhỏ.

Bệnh tim mạch

Ở độ tuổi sinh nở, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ (estrogen), các hormon sinh dục này có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim. Khi đến tuổi tiền mãn kinh, lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể và bắt đầu giai đoạn bùng nổ các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành...) ở phái nữ với diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu người ta thấy rằng, liệu pháp hormon thay thế không thể giúp được phụ nữ ở tuổi mãn kinh phòng ngừa được sự phát triển của xơ vữa động mạch.

Ngoài sự thay đổi nội tiết, nguyên nhân khiến phụ nữ ở độ tuổi này mắc bệnh tim mạch nhiều hơn so với các độ tuổi khác và nhiều hơn nam giới là do tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 cao hơn, hay bị các rối loạn tuyến giáp hơn, có nhiều vấn đề (áp lực) trong gia đình và công việc hơn so với nam. Hệ thống tim mạch ở phụ nữ cũng dễ bị tổn thương hơn khi có tác động của các tác nhân độc hại, ví dụ thuốc lá, rượu bia... Bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành ở phụ nữ diễn biến phức tạp hơn, hiệu quả chữa trị kém hơn (các phương pháp can thiệp mạch vành hiện đại như thông mạch vành bằng cách đặt stent, nong mạch và nối mạch thông đạt hiệu quả thấp ở phụ nữ), nên vấn đề phòng bệnh, phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh này là quan trọng hàng đầu.

Những biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch ở phụ nữ là giảm cân nếu bị thừa cân, luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý; không nên uống rượu bia, hút thuốc lá; tăng cường rèn luyện thể dục thể thao; chế độ ăn uống phải hợp lý; không ăn quá 5 - 6g muối/ngày; tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin E, C, A, B6, B12, acid folic và axít béo không no Omega-3 để bảo vệ thành mạch máu trước nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa; hạn chế ăn thịt mỡ, da động vật và các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như tim, gan động vật, bơ, kem, sôcôla; tăng số ngày ăn cá, đậu trong tuần, dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn...; luôn kiểm soát hàm lượng cholesterol, glucoza trong máu và các chỉ số huyết áp ở mức độ cho phép; giảm căng thẳng thần kinh...

ThS. Hà Hùng Thủy

Tránh sai lầm khi chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

TS. Nguyễn Văn Cường, chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR) lưu ý các bậc cha mẹ về việc không nên làm sau tiêm chủng, đó là sử dụng thuốc không theo chỉ định của cán bộ y tế, bao gồm sử dụng thuốc hạ sốt; chườm, đắp, bôi thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm, kể cả thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Chuyên gia cũng lưu ý thêm, các bà mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Không có chống chỉ định tiêm vắc-xin với các trẻ béo phì, các cháu suy dinh dưỡng. Cha mẹ cũng cần phải chủ động cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch.

Theo TS. Nguyễn Văn Cường, phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc-xin là đau tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ, sốt nhẹ (dưới 38,5oC), một số vắc-xin (như sởi - Rubella có thể có phát ban 7 - 10 ngày sau tiêm chủng, chiếm khoảng 2% các trường hợp).

Hiếm gặp các phản ứng nặng: co giật, tím tái, khó thở sau tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, khi thấy có các biểu hiện bất thường khác nào về sức khỏe sau tiêm chủng hoặc khi phản ứng thông thường như: sốt, đau, hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc...) kéo dài trên một ngày hoặc gia đình không yên tâm về sức khỏe của trẻ thì cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí.

Bà mẹ cần lưu ý những hướng dẫn bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm chủng.

“Nguyên tắc chung” cho tiêm chủng an toàn

Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b, bại liệt, sởi và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib... Các bậc cha mẹ cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để theo dõi lịch tiêm chủng của con mình. Các vắc-xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng là an toàn, 100% các lô sản phẩm được kiểm định. Để chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn khi đi tiêm chủng, các bà mẹ và người chăm trẻ cần lưu ý:

- Không để trẻ bị đói trước khi đi tiêm chủng. Cho trẻ ăn uống bình thường sau tiêm.

- Cần chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm chủng. Hỏi cán bộ y tế loại vắc-xin trẻ được tiêm.

- Chú ý và thường xuyên theo dõi trẻ sau tiêm chủng: 30 phút tại điểm tiêm và ít nhất 24 giờ sau tiêm.

- Khi trẻ sốt, các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần liên lạc với cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

- Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái... các bà mẹ cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế. Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

Vì sự an toàn của trẻ, các bà mẹ cần theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.

Dự án TCMR

Mẹo chọn cua đồng ngon

Nhà tôi có người già và trẻ nhỏ nên thường xuyên ăn cua đồng để bổ sung canxi. Đi chợ nhiều, tôi đã rút ra được kinh nghiệm chọn cua đồng ngon. Dưới đây là vài mẹo chọn cua đồng, tôi xin chia sẻ cùng các bạn:

Cua khỏe sẽ tươi ngon, vì thế tôi luôn chọn những con mình mập, di chuyển nhanh, càng khỏe, sẵn sàng phản ứng khi bị gắp. Cua phải còn đủ càng. Ngoài ra, cua khỏe cũng thường sủi bọt khí liên tục. Mua phải cua yếu hay cua chết, món canh thường có mùi khai.

Muốn phân biệt cua đực, cua cái, tôi nhìn vào yếm cua. Cua đực có yếm nhọn, cua cái có yếm to. Cua đực sẽ cho nhiều thịt còn cua cái sẽ cho nhiều gạch.

Những con cua ngon là những con cua có mai màu sáng, cứng và trơn.

Lật ngửa cua và nhấn tay vào yếm cua, có thể biết cua có chắc thịt hay không. Nếu yếm không lún thì đó là cua chắc, nhiều thịt. Nếu yếm lún là cua ốp, ít thịt, ăn không ngon và dễ có mùi khai.

Nhà tôi ít ăn cua vào giữa tháng âm lịch, lúc này cua lột vỏ nên bị gầy, ốp thịt. Đầu và cuối tháng âm là thời điểm cua ngon, béo và chắc ngọt nhất.

Thúy Ngân

(Theo VNExpress)

Tăng huyết áp và đái tháo đường

Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) là hai bệnh riêng biệt nhưng tiếc thay, chúng có mối liên quan khá mật thiết với nhau, thường đi song hành với nhau: đã mắc bệnh đái tháo đường thì rất dễ bị tăng huyết áp và ngược lại. Còn khi đã mắc cả hai thì nguy cơ biến chứng rất cao và gây khó khăn trong việc chữa trị bệnh.

Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và đái tháo đường

Tăng biến chứng ở người vừa tăng huyết áp vừa đái tháo đường

Theo nhiều nghiên cứu, người ta thấy rằng THA và ĐTĐ thường kết hợp với nhau và tỷ lệ bệnh luôn tăng theo lứa tuổi. Tỷ lệ bệnh THA ở ĐTĐ týp 2 tăng 2,5 lần so với người không ĐTĐ. Ngược lại, khoảng 50% bệnh nhân ĐTĐ đồng thời bị THA (25% ở người trẻ và 75% người luống tuổi). Theo một nghiên cứu trên các phụ nữ bị THA, sau khi đã loại bỏ các tác động như hút thuốc, nghiện rượu, cân nặng, tiền sử gia đình và một số yếu tố khác, người ta thấy rằng: phụ nữ bị THA sẽ gia tăng nguy cơ mắc ĐTĐ týp 2 gấp 3 lần so với phụ nữ có trị số huyết áp bình thường.

tang-huyet-ap-va-dai-thao-duong

Tăng huyết áp và đái tháo đường có liên quan mật thiết với nhau

Tăng huyết áp góp phần quan trọng làm tăng mức độ nặng, tăng mức độ tàn phế và tỷ lệ tử vong của người bệnh đái tháo đường. Theo nghiên cứu Whitehall ở Anh theo dõi trong 10 năm, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ có THA tăng gấp đôi người ĐTĐ không THA. Ngược lại, ĐTĐ cũng làm cho THA trở nên khó điều trị hơn. THA kéo dài sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ và các mạch máu lớn, nếu không được điều trị sẽ gây ra các bệnh lý ở mắt, thận, tim mạch và có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.

Chẩn đoán tăng huyết áp ở người đái tháo đường

Chẩn đoán là THA ở người ĐTĐ khi mức huyết áp tối đa ≥ 140mmHg hoặc/và huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg. Trên bệnh nhân ĐTĐ týp 1, THA thường đi kèm bệnh lý thận. Trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2, THA có thể cùng xuất hiện với các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch, các yếu tố này đều có cùng một rối loạn tiềm ẩn là đề kháng insulin và tăng insulin máu. Đặc điểm THA ở người ĐTĐ là tỷ lệ THA tâm thu đơn độc rất cao. Riêng ĐTĐ týp 2, THA gặp ở nữ nhiều hơn nam và huyết áp tâm thu tăng theo tuổi ở nữ chậm hơn. Ngoài mức độ thường gặp cao, bản thân THA làm tăng mạnh các yếu tố nguy cơ vốn đã tăng ở bệnh nhân ĐTĐ. ĐTĐ làm tăng nguy cơ bệnh lý mạch vành gấp 2 lần ở nam và 4 lần ở nữ. Khi mắc cả THA và ĐTĐ sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu lớn và nhỏ và làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong khi so với bệnh nhân THA nhưng không bị ĐTĐ.

Do tầm quan trọng của mức huyết áp đối với bệnh nhân ĐTĐ nên khi phát hiện THA, các chuyên gia tim mạch khuyên nên làm thêm các xét nghiệm như: siêu âm doppler động mạch cảnh, động mạch thận, động mạch 2 chi dưới; siêu âm tim (đánh giá phì đại thất trái, chức năng tâm trương…); tìm microalbumine trong nước tiểu; soi đáy mắt; khám bàn chân; đo chỉ số huyết áp tâm thu còn gọi chỉ số huyết áp cổ chân/cánh tay (ABI: Ankle Brachial Index). Nếu có điều kiện, có thể theo dõi huyết áp trong 24 giờ (Holter huyết áp 24 giờ).

TS.BS. Bùi Nguyên Kiểm

Ngủ nhiều, lợi bất cập hại

Ngủ là một biện pháp hữu ích nhất giúp cơ thể hồi phục và lấy lại sức mạnh. Ngủ cũng là biện pháp hoàn hảo nhất giúp hệ thần kinh nhanh phục hồi mà không một biện pháp y học nào có thể sánh được. Thế nhưng nếu ngủ nhiều thì lại không tốt.

Bởi vì cơ thể chúng ta sinh ra là để vận động. Nhờ đó cơ thể mới khoẻ mạnh. Vận động giúp tăng lưu chuyển máu, làm “cuốn phăng” những mảng bám, những mảnh vỡ của hồng cầu, khơi thông những chỗ tắc làm lành mạnh hoá hệ thống tuần hoàn. Vận động giúp hệ hô hấp đào thải hết khí độc, thở mạnh và thở sâu giúp chúng ta lấy được nhiều khí có lợi hơn. Vận động giúp hệ cơ xương của chúng ta thêm chắc khoẻ, canxi lắng đọng vào xương tốt hơn, cơ rắn rỏi hơn. Không những thế, vận động còn là liệu pháp vô cùng có giá trị giúp chúng ta tăng nhu động hệ tiêu hoá, giảm các bệnh của chuyển hoá, giúp thư thái và sảng khoái tinh thần.

Nếu không được vận động thì cơ thể sẽ chóng yếu mệt. Hệ tuần hoàn co bóp không khoẻ, hệ hô hấp không thải bỏ khí ở sâu, hệ xương như bị “ải” ra, cơ nát, mềm, xương giòn và yếu. Và hơn thế nữa, thần kinh không an nhàn dễ gây stress.

Vì thế mà chúng ta đừng nên ngủ quá nhiều. Ngủ quá nhiều làm cắt giảm thời gian vận động, làm mất đi những cơ hội tốt trời cho. Ngủ trên 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày thì có nghĩa là người đó đang ngủ quá nhiều. Vì vậy cắt giảm xuống còn 8 tiếng là đủ.

Linh Trang

Cách nhận biết trẻ nhiễm giun kim

Con tôi 6 tuổi, thường bị ngứa hậu môn vào chập tối, có người bảo cháu bị giun kim. Làm sao biết trẻ bị bệnh giun kim, thưa bác sĩ?

Lê Đặng Thu Hương (Nam Định)

Bệnh giun kim có thể lây từ người này sang người khác. Trẻ em bị bệnh nhiều hơn người lớn. Giun trưởng thành chủ yếu ở ruột non. Sau khi giun kim đực và giun kim cái giao phối, giun đực chết còn giun cái ra rìa hậu môn để đẻ, sau đẻ trứng, giun cái cũng chết luôn. Sau vài giờ trứng có khả năng lây nhiễm cho người khác hoặc tự lây lại qua thức ăn, nước uống, đồ vật, hoặc tay bị nhiễm, trứng nở trên da vùng hậu môn và ấu trùng đi lên đại tràng. Triệu chứng quan trọng nhất là ngứa vùng hậu môn (nhất là về ban đêm). Ban đêm, những lúc ngứa hậu môn, soi đèn có thể thấy giun kim ở quanh hậu môn.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Phòng bệnh bằng cách không cho trẻ mặc quần thủng đít, rửa tay sạch trước khi ăn, cha mẹ cần rửa sạch hậu môn cho trẻ hằng ngày. Mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn cơm. Định kỳ giặt ga trải giường, chăn màn cũng có tác dụng diệt trứng giun.

BS. Đào Thị Thinh

Chàm sữa, điều trị thế nào?

Con trai tôi 5 tháng tuổi, từ khi sinh đến nay cháu hoàn toàn bú sữa mẹ nhưng mấy hôm nay mặt bé nổi nhiều nốt sần đỏ và ngứa, có nốt rịn nước. Mọi người nói cháu bị chàm sữa. Xin bác sĩ tư vấn về bệnh này và cách điều trị?

Phạm Thị Thanh (thanhpham2579(@gmail.com)

Chàm sữa còn gọi lác sữa là bệnh hay gặp ở trẻ em độ tuổi từ 2 tháng đến 2 tuổi. Đặc tính của bệnh là viêm da dị ứng. Bệnh không nguy hiểm cho sức khỏe của bé nhưng khiến vùng da bị tổn thương khô căng, nứt nẻ, chảy máu gây khó chịu ngứa ngáy có khi bội nhiễm. Tổn thương thường hai bên má, đối xứng, có thể lan ra cằm, trán nhưng không có ở mắt, mũi, có thể lan ra thân mình và tứ chi nhưng vùng tã lót, vùng nách không có. Khởi đầu là những mẩn đỏ rồi trở thành mụn nước nhỏ li ti, đỏ, nứt da, rịn nước đóng màng và tróc vẩy. Trên lâm sàng phân chàm sữa cấp tính, chàm sữa mạn tính và chàm sữa bán cấp. Chàm cấp tính: tổn thương màu hồng, mụn nước, rỉ dịch, đóng vẩy, với nhiều rãnh ngang dọc và thay đổi sắc tố da sau viêm và chàm bán cấp là giai đoạn giữa cấp và mạn. Nguyên nhân gây chàm sữa rất phức tạp, có thể do bụi nhà, phấn hoa, thức ăn (sữa, trứng, đồ biển...). Theo thư mô tả thì bé bị chàm sữa cấp tính. Về điều trị, tốt nhất là chị nên đưa bé đi khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng loại thuốc bôi phù hợp. Đã có nhiều trường hợp nghe theo mách bảo tự ý mua thuốc bôi cho bé hết loại này đến loại khác, thậm chí trong có coticosteroid, bôi lâu gây tác dụng phụ khiến trẻ nhiễm nấm, teo da, mất màu da.

BS. Hồng Ngọc

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu

Thời gian gần đây, số người bị mắc thủy đậu có dấu hiệu gia tăng. Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, chỉ sau khoảng 1 tuần - 10 ngày, các nốt thủy đậu sẽ khô và bong vảy, sau một thời gian vết thâm sẽ hết và không để lại sẹo.Tuy là bệnh lành tính, nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ lâu khỏi và có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Cần cách ly trẻ

Bệnh gây ra do virút Varicella zoster gây ra, virút này phát tán trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói… và một khi không may hít phải sẽ theo vào cơ thể, sinh sôi nảy nở và gây bệnh.

Một người trung bình khoảng từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu thì có thể bị lây bệnh. Do đó nếu trẻ bị mắc thủy đậu cần cách ly trẻ với những người khác. Tất cả đồ dùng cá nhân của trẻ như bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng,… phải dùng riêng.

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu 1

Khi bị thủy đậu cần cách ly trẻ

Cách vệ sinh chăm sóc trẻ

Việc đầu tiên là chăm sóc da khi bé bị thủy đậu vì khi lên những nốt đỏ có bọng nước, trẻ hay bị ngứa thường gãi làm nốt đậu bị vỡ dịch chảy ra dễ lan rộng, da trầy xước khiến vi khuẩn bên ngoài dễ dàng xâm nhập gây nhiễm khuẩn và sau này sẽ để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong. Để giữ cho da của trẻ luôn luôn sạch sẽ cần rửa tay và cắt ngắn móng tay. Trẻ nhỏ phải cho mang bao tay. Nếu nốt thủy đậu vỡ bôi thuốc xanh methylen để làm se nốt mụn thủy đậu, chống bội không được bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicillin hay thuốc đỏ.

Theo thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trong tháng 12-2012 BV đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 2.500 BN và điều trị nội trú cho 333 trường hợp mắcthủy đậu, trong đó có 2 trường hợp tử vong do biến chứng.

Tại Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhật và điều trị gần 20 trường hợp.

Nhiều người cho rằng khi trẻ mắc bệnh thuỷ đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không lau rửa cho trẻ là một sai lầm mà cần giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách: Dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo cho trẻ.

Đối với khẩu phần ăn hàng ngày cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi trẻ bị thủy đậu, với các biểu hiện: sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi hồng ban sau đó nhanh chóng chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau hóa đục, xuất hiện ở thân mình, đầu mặt, tay chân, niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục,… Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị và chăm trẻ vẫn cần chú ý theo dõi kỹ tình trạng của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên sốt cao trở lại; các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm

Những thắc mắc về vắc xin Quinvaxem cha mẹ nào cũng nên biết

1. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib sử dụng trong Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là vắc xin gì?

Là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib (Quinvaxem) trong một mũi tiêm. Vắc xin chứa các thành phần kháng nguyên như giải độc tố bạch hầu, giải độc tố uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên bề mặt viêm gan B và kháng nguyên Hib dạng dung dịch (DTwP-HepB-Hib).

Thành phần ho gà trong vắc xin Quinvaxem là vắc xin toàn tế bào. Vắc xin được đóng lọ 1 liều 0,5ml, vắc xin có gắn chỉ thị nhiệt độ (VVM) ở nhãn lọ vắc xin giúp cho việc đánh giá nhiệt độ bảo quản vắc xin trong quá trình bảo quản và vận chuyển. Vắc xin được sản xuất bởi công ty Berna Biotech, Hàn Quốc. Vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định từ năm 2006.

2. Tại sao phải sử dụng vắc xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib cho trẻ em dưới một tuổi?

Các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib là những bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm, là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi – đối tượng dễ mắc những bệnh này ở Việt Nam.

Vắc xin phòng các bệnh này là những vắc xin cơ bản được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi ở hầu hết các nước trên thế giới.

Các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng hơn 97% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra sau tiêm chủng 3 liều cơ bản với Quinvaxem. Hơn 91% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh Viêm gan B sau khi tiêm chủng vắc xin theo lịch mà chưa được tiêm chủng vắc xin viêm gan B vào lúc sinh.

3. Vắc xin Quinvaxem được sản xuất ở đâu và đã được sử dụng ở những quốc gia nào?

Từ năm 2006, vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib (Quinvaxem) được sản xuất tại Hàn Quốc và đã đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định về chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cho đến nay đã có khoảng 450 triệu liều vắc xin đã được sử dụng tại 94 quốc gia trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, vắc xin Quinvaxem được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ tháng 6 năm 2010. Vắc xin được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung ứng cho Việt Nam và phân bổ đến các địa phương để sử dụng đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc theo lịch tiêm chủng 03 mũi vào các thời điểm 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.

Từ khi triển khai đến nay, đã có khoảng 25 triệu mũi tiêm được thực hiện, với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vắc xin hàng năm đạt trên 90%. Trong năm 2015, cũng đã có 4,8 triệu lượt trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng vắc xin này tại tất cả các điểm tiêm chủng xã/ phường trên cả nước. Để trẻ em Việt Nam được thụ hưởng miễn phí vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã ưu tiên đầu tư nguồn lực để đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc xin hàng năm.

4. Vắc xin Quinvaxem phải nhập khẩu từ nước ngoài, vậy công tác kiểm định và quản lý chất lượng được thực hiện như thế nào? Có khác gì so với các vắc xin dịch vụ?

Đối với các vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm vắc xin Quinvaxem và tất cả các loại vắc xin sử dụng trong Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ đều phải tuân thủ các quy định của Việt Nam. Các vắc xin này phải thực hiện các thủ tục để đăng ký lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết và đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và của Tổ chức Y tế thế giới. Vắc xin chỉ được cấp phép sử dụng tại Việt Nam sau khi đã được kiểm định nghiêm ngặt và đạt được các yêu cầu của Việt Nam.

Từng lô vắc xin khi nhập vào Việt Nam đều phải được Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

5. Theo các báo cáo, số mắc bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai vắc xin. Tại sao đến nay trẻ em vẫn tiếp tục phải tiêm vắc xin phòng các bệnh này?

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm triển khai, thành công của công tác TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Trong thời gian gần đây Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì các thành quả đã đạt được như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh,  tỷ lệ mắc các bệnh trong tiêm chủng trên 100.000 dân giảm rõ rệt: Bệnh bạch hầu giảm 228 lần; bệnh ho gà giảm 844 lần, bệnh sởi giảm 90 lần; bệnh uốn ván sơ sinh giảm 18 lần (so với năm 1991).

Mặc dù vậy, các bệnh này có nguy cơ quay trở lại và gây dịch trên qui mô lớn nếu không duy trì được tỷ lệ tiêm chủng cao các vắc xin này trên toàn quốc. Bài học dịch bạch hầu quay trở lại nước Nga vào cuối thế kỷ 20 hay dịch sởi tại các nước châu u trong thời gian gần đây cho thấy việc giảm tỷ lệ tiêm chủng đã khiến cho các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này tưởng như đã được khống chế và loại trừ đã có cơ hội quay trở lại, đe dọa tính mạng trẻ em. Vụ dịch sởi năm 2014 là bài học về việc tiêm chủng chậm, muộn hoặc không tiêm chủng. Tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc tập trung đông các đối tượng chưa có miến dịch phòng bệnh đã xảy ra dịch sởi, từ các địa phương này dịch đã lây lan nhanh chóng sang các địa phương khác. Trong thời gian xảy dịch, những trường hợp không được tiêm chủng, chưa đến độ tuổi tiêm chủng hoặc chống chỉ định sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Như vậy, để giúp trẻ không mắc bệnh, việc duy trì liên tục tiêm chủng vắc xin là hết sức cần thiết cho những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ tới khi những bệnh này được thanh toán trên toàn cầu.

6. Là một người mẹ, tôi băn khoăn khi phải quyết định có nên cho con mình đi tiêm vắc xin Quinvaxem. Tôi mong muốn được giải đáp đầy đủ hơn về những lợi ích và nguy cơ có thể có khi cho con đi tiêm phòng loại vắc xin này? Tiêm vắc xin Quinvaxem có thể xảy ra những phản ứng gì?

Vắc xin Quinvaxem là loại vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Sử dụng vắc xin phối hợp 5 trong 1 trong TCMR sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

•Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin cũng như tính an toàn của vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận. Tuy nhiên, cũng như các thuốc hay loại vắc xin khác khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng. Theo khuyên cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp.

•Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (< 38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.

•Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vắc xin Quinvaxem cũng giống như sử dụng vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào như:

- Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.

- Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.

- Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ với tỷ lệ là 1-2/1 triệu liều.

- Sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 1- 20/1 triệu liều.

Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não mủ do vi khuẩn Hib trong Chương trình TCMR có chứa thành phần vắc xin ho gà toàn tế bào nên miễn dịch của trẻ sau tiêm vắc xin này bền vững hơn so với các vắc xin trong Tiêm chủng dịch vụ có thành phần ho gà vô bào. Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã có khoảng 25 triệu liều vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib được sử dụng tiêm chủng an toàn cho trẻ dưới 1 tuổi. Tỷ lệ phản ứng thông thường và các phản ứng nặng sau tiêm đều thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất, Tổ chức Y tế thế giới.

7. Những biểu hiện nào sau tiêm chủng là bất thường, khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?

•Cần đưa NGAY trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như phát ban, sốt cao (>39°C), co giật, quấy khóc kéo dài, khó thở, tím tái, li bì, lơ mơ, bú kém, bỏ bú.... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.

•Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ

•Các phản ứng nặng có thể qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Các bà mẹ cần chú trọng việc theo dõi sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng liên tục ít nhất trong 24h sau khi tiêm.

8. Sau khi tiêm chủng về nếu cháu bị sốt, quấy khóc thì tôi phải làm gì?

•Sau tiêm chủng trẻ có thể có những biểu hiện như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các bà mẹ cần chú ý đến trẻ hơn, cho trẻ bú nhiều hơn, cho bú khi trẻ thức, theo dõi nhiệt độ, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

•Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ không đỡ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí.

•Đồng thời khi trẻ có biểu hiện khóc thét,quấy khóc kéo dài, các bà mẹ cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.

9. Trường hợp nào trẻ không tiêm được vắc xin Quinvaxem ?

Không tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước  như:

- Sốt cao liên tục trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.

- Sốc sau tiêm vắc xin.

- Các trường hợp phản ứng quá mẫn muộn sau tiêm vắc xin

- Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.

- Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin.

Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ.Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

10. Thực tế hiện nay, vẫn có một số trường hợp tử vong sau tiêm chủng, vậy trẻ tử vong sau khi tiêm chủng thường do những nguyên nhân nào?

Vắc xin sử dụng để tiêm chủng cho người khỏe (để phòng bệnh) nên nếu bị rủi ro thì luôn luôn khiến cộng đồng quan tâm.Khác với thuốc chữa bệnh, dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân, thì vắc xin được dùng cho số đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh, là nguyên nhân chính gây ra tử vong. Theo ước tính của WHO dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.

Thực tiễn triển khai vắc xin ở Việt Nam với khoảng 600 trăm triệu mũi tiêm vắc xin các loại trong 30 năm nay, tai biến xảy ra sau tiêm vắc xin là hãn hữu đã minh chứng rất rõ tính an toàn của vắc xin. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc, khi tiêm chủng mỗi cơ thể có phản ứng với vắc xin khác nhau nên có người sau tiêm chủng bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, một số rất ít có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc. Thực tế, có trường hợp cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác cùng tiêm vắc xin bình thường đó là do cơ địa mỗi người khác nhau. Sau tiêm chủng các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện một số dấu hiệu bất thường như khóc dai dẳng, tím tái, khó thở, bú ít, li bì …và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh xảy ra một số rủi ro đáng tiếc.

11. Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đặt ra những lo ngại về việc vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng cao, trong khi vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ lại chưa ghi nhận nhiều trường hợp tai biến sau tiêm tại Việt Nam? Vậy tính an toàn của vắc xin Quinvaxem là như thế nào so với các vắc xin dịch vụ?

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… cao hơn so với vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào. Tuy nhiên, tỷ lệ phản ứng nặng của vắc xin ho gà vô bào và toàn tế bào là tương đương nhau.

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 100.000 đến 200.000 liều vắc xin ho gà vô bào được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Con số này thấp hơn nhiều so với 5,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem được triển khai hàng năm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.

Theo đánh giá năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới về các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam. Kết quả đánh giá cho thấy có 9 trường hợp phản ứng có liên quan đến vắc xin trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,64/1 triệu liều), không có tử vong trong số 9 ca này. Chỉ ghi nhận 1 trường hợp sốc phản vệ trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,07/1 triệu liều), thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.

Trên thế giới một số vắc xin có thành phần ho gà vô bào cũng đã được sử dụng trong Chương trình TCMR tại một số nước và đã ghi nhận những trường hợp phản ứng nặng, thậm chí tử vong sau tiêm vắc xin có thành phần ho gà vô bào.

12. Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin ho gà vô bào và vắc xin ho gà toàn tế bào có khác nhau không?

Thành phần ho gà khác nhau là công nghệ vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn) và toàn tế bào (vẫn còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn).

Việt Nam đang sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào trong Chương trình TCMR và đã tạo ra được nền miễn dịch cộng đồng vững chắc, tác nhân gây bệnh không lây lan. Hiện nay có 8% dân số tiêm vắcxin vô bào.Theo thông báo của CDC – Hoa Kỳ và báo cáo tình hình bệnh ho gà tại Úc cho thấy việc triển khai vắc xin ho gà toàn tế bào từ thập kỷ 90 trở về trước đã có hiệu quả làm giảm mạnh số mắc ho gà. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai vắc xin ho gà vô bào thay thế từ những năm 1995 thì số mắc ho gà tăng lên nhiều lần mặc dù bên cạnh lịch tiêm chủng cho trẻ em, các nước này đã áp dụng lịch tiêm bổ sung cho trẻ lớn và phụ nữ có thai. Hiện nay các nước này đang xem xét lại hiệu quả của vắc xin ho gà vô bào.

Miễn dịch cho cộng đồng của vắc xin ho gà vô bào là không mạnh bằng vắc xin công nghệ toàn tế bào. Việc chuyển đổi từ vắc xin  toàn tế bào sang vắc xin vô bào có thể liên quan với sự tái bùng phát của bệnh ho gà tại một số nước phát triển, những người đã tiêm vắc xin vô bào nên tiếp tục tiêm nhắc lại để đảm bảo khả năng phòng bệnh.

Trong vụ dịch 2010 tại California (Mỹ) hay vụ dịch năm 2009-2011 xảy ra tại Queensland (Úc) cho thấy trẻ đã từng tiêm ho gà vô bào có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ đã tiêm ho gà toàn tế bào và trong trường hợp tiêm thay thế nhau (từ ho gà vô bào sau đó chuyển sang toàn tế bào hoặc ngược lại), nếu mũi đầu tiên là ho gà toàn tế bào hiệu quả bảo vệ sẽ cao hơn so với lịch ho gà vô bào. Như vậy, ngoài việc không bảo vệ được cho cộng đồng, tiêm vắc xin ho gà vô bào cũng không bảo vệ chính người được tiêm như ho gà toàn tế bào trong trường hợp có dịch xảy ra và việc tiêm ho gà toàn tế bào dù chỉ 1 mũi và tiêm đầu tiên -  vẫn cho hiệu quả tốt hơn.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia tiếp tục sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào – hiệu quả trong phòng, chống bệnh ho gà.

13. Sử dụng vắc xin dịch vụ có xảy ra phản ứng sau tiêm không?

Khác nhau cơ bản giữa vắc xin Quinvaxem với các vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 khác, chủ yếu là thành phần ho gà toàn tế bào. Vắc xin này gây nhiều phản ứng hơn vô bào, tuy nhiên chỉ ở phản ứng mức độ nhẹ và trung bình.Các phản ứng mức độ nặng thì hiếm gặp và cả hai đều tương đương nhau.Các thành phần khác gần như là tương đồng.

Vắc xin cũng như thuốc và các sinh phẩm, không có loại vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Các trường hợp phản ứng sốc và phản ứng quá mẫn đều có thể xảy ra với bất kỳ thuốc hoặc vắc xin nào ở một số trẻ có cơ địa nhạy cảm với thành phần có trong vắc xin.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí PlosOne thì tại Ý đã có 1,5 triệu mũi tiêm vắc xin Infarix Hexa được thực hiện trong giai đoạn từ 199-2004 và ghi nhận 21 trường hợp tử vong đột ngột trong vòng 15 ngày sau tiêm vắc xin này.

Vắc xin Pentaxim kết quả ghi nhận sau sử dụng vắc xin này cho thấy các trường hợp khóc nhiều dai dẳng chiếm 5,3%, nôn 16%. Tỷ lệ các phản ứng này gần như tương đương với vắc xin ho gà toàn tế bào.

14. Hiện nay có nhiều phụ huynh e ngại tiêm vắc xin Quinvaxem sau khi xảy ra các ca tai biến sau tiêm chủng. Việc chờ đợi vắc xin để lại những hậu quả gì?

Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai trong 30 năm qua, với hàng trăm triệu mũi tiêm, sự cố xảy ra sau tiêm chủng chỉ là hãn hữu. Tiêm chủng mở rộng đã giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến ở trẻ nhỏ. Việt Nam đã thanh toán và loại trừ một số bệnh truyền nhiễm bằng tiêm chủng vắc xin đạt tỷ lệ cao trên 90% trên quy mô toàn quốc. Các bậc cha mẹ cũng cần nhớ để phòng bệnh tốt nhất trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch. Việc các bậc phụ huynh trì hoãn đưa con đi tiêm chủng, chờ đợi vắc xin dịch vụ sẽ khiến cho trẻ bị tiêm chủng muộn, tiêm không đủ mũi. Nếu không có miễn dịch bảo vệ chủ động, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh trước khi tiêm chủng.

Để phòng bệnh tốt nhất trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch. Tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ dẫn đến sự trì hoãn các mũi tiêm của các bậc phụ huynh khiến cho trẻ sẽ bị tiêm chủng muộn, tiêm chủng không đủ mũi. Điều này sẽ dẫn đến trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh trước khi tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ. Trong đầu năm 2015, có 43,7% các trường hợp mắc ho gà ở độ tuổi từ 2-4 tháng tuổi mà chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi. Những trẻ này nếu được tiêm chủng đúng lịch đủ mũi thì hầu hết sẽ được bảo vệ không mắc bệnh.

15. Các cháu đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin cách đây 4-5 tháng vậy có phải tiêm lại từ đầu không?

Lịch tiêm chủng 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib là 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu trẻ đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin cách đây 4-5 thángthì cần được tiêm càng sớm càng tốt mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Chú ý khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần (1 tháng).

16. Các cháu đang tiêm vắc xin dịch vụ có thể quay trở lại tiêm vắc xin Quinvaxem miễn phí trong TCMR không?

Có thể cho trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem miễn phí trong tiêm chủng mở rộng nếu cháu chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 theo lịch tiêm chủng.

Điều cần lưu ý là vắc xin phối hợp Quinvaxem phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/ viêm màng não do vi khuẩn Haemophilus influenzae type b. Vắc xin dịch vụ có nhiều loại nên các bà mẹ cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng của con mình để cán bộ y tế biết được trẻ đã tiêm những vắc xin gì và có chỉ định tiêm đúng cho trẻ.

17. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vắc xin, phụ huynh và nhân viên y tế cần phải thực hiện những quy định nào?

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cán bộ y tế cần thực hiện đúng qui trình tiêm chủng, thực hành tiêm chủng an toàn và đặc biệt khám sàng lọc và tư vấn đầy đủ trước khi tiêm chủng.

Các bậc cha mẹ cũng cần biết những việc cần thực hiện và phối hợp với cán bộ y tế khi đưa con đi tiêm chủng và biết cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng, cụ thể: Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt hoặc tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoăc có bất thường gì khác.

Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.

Cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng, chú ý theo dõi chăm sóc trẻ trong 1-2 ngày đầu sau tiêm chủng. Các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện một số dấu hiệu bất thường như khóc thét, tím tái, khó thở,bú ít, li bì …và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

18. Trong trường hợp không may sau khi tiêm, trẻ gặp tai biến liên quan đến vắc xin thì chúng ta có quy trình xử lý ra sao?

Trên thực tế, vắc xin là một trong những loại sinh phẩm được kiểm tra nghiêm ngặt nhất về tính an toàn, tuy nhiên vẫn cần lưu ý với các bà mẹ, vắc xin cũng như thuốc, không có loại vắc xin nào là tuyệt đối an toàn.

Cán bộ tiêm chủng tại tất cả các tuyến đều được đào tạo, tập huấn những kiến thức về an toàn tiêm chủng và xử lý ban đầu đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm.100% các trạm y tế xã phường đều sẵn có thuốc xử trí sốc. Các trường hợp phản ứng ngay tại thời điểm tiêm chủng thì trẻ cần được xử trí tại cơ sở y tế gần nhất. Điều quan trọng nhất là các bà mẹ cần cho trẻ ở lại trạm y tế sau tiêm 30 phút để cán bộ y tế theo dõi về tình trạng sức khỏe, dị ứng, phản ứng quá mẫn, sốc...

Các bà mẹ tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường sau tiêm chủng như phát ban, sốt cao, co giật, khóc dang dẳng, tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú, li bì … và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời tránh rủi ro đáng tiếc.

19. Gần đây có xảy ra một số trường hợp trẻ sau tiêm vắc xin Quinvaxem bị phản ứng nặng, có trường hợp tử vong. Những sự việc này đã ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng?

Khác với thuốc chữa bệnh, dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân, thì vắc xin được dùng cho số đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Theo ước tính của WHO dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.

Trong thời gian qua, thông tin về các phản ứng sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem, phần nào cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của các ông bố, bà mẹ trước quyết định đưa con đi tiêm chủng vắc xin. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở một số ít các bậc phụ huynh, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số hơn 1,6 triệu trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước. Ở các tỉnh thành phố khác, người dân vẫn đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tỷ lệ tiêm chủng vẫn được duy trì ổn định.

D.Hải

Trẻ bị nôn báo hiệu bệnh gì?

Trước hết cần phân biệt giữa nôn và trớ. Trớ chỉ là một hiện tượng sinh lý: trong vòng 6 tháng đầu, thường ngay sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn, chỉ một lượng thức ăn không đáng kể trào ra. Trái lại, nếu là nôn thì toàn bộ thức ăn trong dạ dày bị tống ra hết. Nôn là hiện tượng thức ăn bị đẩy ra ngoài do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co bóp của cơ hoành và thành bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Những nguyên nhân gây nôn thường gặp

Trẻ thường bị nôn trong một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm họng, viêm phế quản... Trong bệnh viêm phổi trẻ nhỏ, có khi triệu chứng bắt đầu là nôn và bỏ bú. Tuy nhiên, trong những bệnh này thường có sốt, ho, đôi khi ậm ạch khó thở. Điều trị nhiễm khuẩn là chính, khi hết viêm trẻ sẽ hết nôn. Ngoài ra, một số trường hợp khác có thể gây nôn là trẻ bị ngộ độc (thường là trẻ 2-3 tuổi trở lên, ngộ độc thức ăn, do dị ứng thức ăn, do ăn quá nhiều...), nôn do giun thường kèm đau bụng quanh rốn, có khi nôn ra giun; và nôn do phản xạ, đặc biệt là nôn trong bệnh ho gà. Tuy nhiên, nôn trong trường hợp này chỉ là dấu hiệu thứ yếu và thường nhẹ.

Lồng ruột - một nguyên nhân dẫn đến nôn trớ ở trẻ.

Nôn có thể báo hiệu bệnh nguy hiểm

Nôn do trong bệnh lý ngoại khoa: nôn là dấu hiệu sớm của bệnh tắc ruột, lồng ruột, hẹp ruột bẩm sinh do phì đại môn vị, do viêm ruột thừa...

Trong hẹp ruột bẩm sinh, nôn là dấu hiệu thường xuyên và rất quan trọng. Hầu như bữa nào trẻ cũng nôn, nôn ngay sau mỗi bữa ăn hoặc vài giờ sau ăn. Nôn xuất hiện sớm có khi trong tuần lễ đầu, song phần lớn là 1-3 tháng. Sở dĩ nôn như vậy là vì lỗ môn vị bị hẹp. Thức ăn cứ đọng lại ở dạ dày mà không xuống được ruột non. Vì trẻ nôn nhiều nên lúc nào cũng cảm giác đói và đòi ngậm vú. Song bú vào lại nôn nên trẻ gầy sút, ở trong tình trạng mất nước (da môi, môi khô táo bón). Nếu phát hiện sớm bệnh sẽ được chữa khỏi bằng phẫu thuật.

Trong bệnh lồng ruột ở trẻ nhỏ (thường xuất hiện ở trẻ từ 4-8 tháng tuổi): trẻ bụ bẫm khỏe mạnh, nuôi bằng sữa mẹ, tự nhiên ưỡn người khóc thét từng cơn, bỏ bú và nôn vọt. Sau đó khoảng 6-12 giờ đứa trẻ đi đại tiện ra máu, thường là máu tươi có ít nhầy. Toàn trạng giảm sút rõ rệt: da tái, môi khô, mắt trũng, tay lạnh. Nếu phát hiện lồng ruột sớm phải đưa ngay trẻ tới bệnh viện trong 6 giờ đầu, nghĩa là khi mới có cơn khóc thét, nôn và bỏ bú. Nếu đến sớm có thể tháo lồng dưới màn hùynh quang, nhưng nếu để muộn, quá 24 giờ, nhiều đoạn ruột đã bị hoại tử bắt buộc phải mổ cắt bỏ những đoạn ruột đó.

Nôn trong các bệnh não - màng não: nôn cũng là một triệu chứng khá quan trọng trong những bệnh não - màng não, đặc biệt là viêm màng não nếu ở trẻ dưới 12 tháng. Ở tuổi này bệnh viêm màng não mủ có 3 triệu chứng quan trọng nhất: co giật trong 85%, thóp phồng 60%, nôn 40%. Trường hợp này phải được điều trị tích cực theo phác đồ và theo dõi sát tại bệnh viện, nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng nặng nề.

Làm gì khi trẻ nôn?

Nếu nôn chỉ là hiện tượng thoáng qua thì điều đó không có gì đáng quan tâm cả. Trường hợp nôn do sai lầm về ăn uống cần điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ. Với trẻ sơ sinh, các bà mẹ cần chú ý sau khi cho bú no nên bế trẻ đứng thẳng trong 10-15 phút áp trẻ vào vai và vỗ nhẹ vào lưng trẻ để trẻ ợ hơi đã bú vào rồi mới đặt trẻ nằm, với trẻ sơ sinh không nên quấn băng rốn cho trẻ quá chặt. Đặc biệt, cần theo dõi trọng lượng của trẻ, nếu trẻ nôn nhiều không tăng hoặc bị sút cân thì phải khám tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Song nếu nôn tiếp diễn, nôn vọt hoặc kèm những triệu chứng nghi ngờ khác thì không thể xem thường mà bà mẹ cần sớm đưa con đến bác sĩ khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời nhất là các bệnh nôn liên quan tới bệnh ngoại khoa cần cấp cứu như lồng ruột hay nôn trong bệnh viêm não - màng não.

BS. Trần Kim Anh